Bên cạnh hai đặc điểm chính về khó khăn trong giao tiếp xã hội và sở thích,hành vi bất thường,định hình rối loạn phổ tự kỉ còn có thể kèm theo một số rối loạn như: tăng động giảm chú ý,khuyết tật trí tuệ,rối loạn giấc ngủ,rối loạn ăn uống,..Phần này sẽ trình bày các vấn đề trên,ngoài ra sẽ bàn đến các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc mà nhiều cha mẹ quan tâm.
1. Khuyết tật trí tuệ
Một người có khả năng tư duy ở mức trung bình cũng có thể bị chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỉ. Tuy nhiên,rối loạn phổ tự kỉ thường liên quan tới khiếm khuyết về trí tuệ. Một nghiên cứu quốc gia từ Mạng lưới rối loạn phổ tự kỉ và khắc phục khiếm khuyết năm 2012 đã nhận thấy,có 32% trẻ em rối loạn phổ tự kỉ có khiếm khuyết về trí tuệ,25% được nhận thấy trong khoảng ranh giới và 44% có khả năng tư duy trung bình và trên trung bình.
2. Vấn đề dạ dày và ăn uống
Trẻ em rối loạn phổ tự kỉ thường có khả năng mắc các vấn đề về dạ dày mạn tính cao hơn so với những trẻ khác,chẳng hạn như táo bón,tiêu chảy hay trào ngược dạ dày. Các vấn đề liên quan đến ăn uống,bao gồm giới hạn nhỏ trong lựa chọn về thức ăn hay né tránh một số loại thực phẩm cụ thể,ăn đồ vật không phải thực phẩm(hội chứng Pica) hay ăn quá nhiều cũng phổ biến ở trẻ em rối loạn phổ tự kỉ.
- Vấn đề giấc ngủ
Ước tính khoảng 50-80% trẻ em rối loạn tự kỉ có các vấn đề về giấc ngủ,cụ thể khó khăn đi vào giấc ngủ hay ngủ ngon giấc.Vấn đề giấc ngủ có thể làm tệ hơn các triệu chứng khác và làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của cá nhân và gia đình. Các nhà nghiên cứu về rối loạn phổ tự kỉ cho rằng,rối loạn giấc ngủ làm trầm trọng hơn các triệu chứng cốt lõi của rối loạn phổ tự kỉ và có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến cả gia đình. Điều trị rối loạn giấc ngủ hứa hẹn cải thiện nhiều khó khăn trong hành vi mà trẻ em rối loạn phổ tự kỉ và gia đình của các em phải đối mặt.
- Vấn đề động kinh.
Động kinh(Rối loạn co giật) cũng phổ biến trong những người có rối loạn phổ tự kỉ. Cứ ba người có rối loạn phổ tự kỉ thì một người trong số đó bị rối loạn co giật. Động kinh là một dạng rối loạn thần kinh bao gồm những cơn phóng điện kèm theo các cơn co giật. Hậu quả của cơn co giật có thể làm người đó mất ý thức,gồng cứng và rung giật thành cơn lớn hay chỉ là cơn nhỏ làm vắng ý thức. Các cơn động kinh bao gồm: cơn động kinh cục bộ đơn giản(không mất ý thức)cơn động kinh cục bộ phức tạp (mất ý thức),cơn động kinh toàn bộ. Động kinh được đặc biệt điều trji bằng thuốc chống động kinh và tùy theo loại động kinh mà bác sĩ sẽ quyết định loại thuốc nào. Động kinh làm cản trở sự tiến bộ trong can thiệp cho trẻ. Tác dụng phụ của thuốc cũng có thể làm cho trẻ buồn ngủ hay tăng cân.Tuy nhiên,nếu không kiểm soát được cơn động kinh,trẻ có thể nguy hiểm như té ngã hay nguy hiểm đến tính mạng do cơn lớn và kéo dài.Động kinh cần được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ,thường là điều trị lâu dài vài năm có khi cả đời và không được ngưng thuốc đột ngột vì có thể gây cơn động kinh liên tục dẫn đến tử vong.
- Vấn đề tăng động giảm chú ý
Tăng động giảm chú ý là một trong những vấn đề đi kèm rất phổ biến của rối loạn phổ tự kỉ. Cứ ba người có rối loạn phổ tự kỉ thì có một người được chẩn đoán với tăng động giảm chú ý vì một số triệu chứng và hành vi có tương đồng ở hai thể trạng khiến cho chẩn đoán gặp khó khăn. Nhiều khi trẻ rối loạn phổ tự kỉ nhưng triệu chứng tăng động nhiều nên dễ làm cho cha mẹ hay nhà chuyên môn để ý nhiều và chẩn đoán là rối loạn tăng động giảm chú ý. Do đó,cần lượng giá kĩ lưỡng giao tiếp có lời và không có lời để phân biệt giữa rối loạn phổ tự kỉ và rối loạn tăng động giảm chú ý.
- Các vấn đề sức khỏe tâm thần khác
Rất nhiều người rối loạn phổ tự kỉ có triệu chứng tâm thần không thuộc chẩn đoán củ rối loạn phổ tự kỉ. Khoảng 70% người rối loạn phổ tự kỉ có một rối loạn tâm lý kèm theo và 40% có từ hai rối loạn trở lên. Lo âu,tăng động giảm chú ý và rối loạn ám ảnh khá phổ biến. Tương tự,triệu chứng của ám ảnh cưỡng bức có thể giống như các triệu chứng lặp lại hành vi và giới hạn hứng thú của trẻ em rối loạn phổ tự kỉ.
7.Sử dụng thuốc cho trẻ em rối loạn phổ tự kỉ
Khi con được chẩn đoán là rối loạn phổ tự kỉ,bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho con. Đó có thể là những loại thuốc hỗ trợ phát triển trí não chứ không có loại thuốc nào chữa khỏi được rối loạn phổ tự kỉ. Một số trẻ em rối loạn phổ tự kỉ có thể cần dùng thuốc trong một thời gian ngắn và trẻ khác có thể cần trị liệu cả đời để hỗ trợ hành vi hoặc các triệu chứng khác. Còn đa số trẻ em rối loạn phổ tự kỉ không cần dùng thuốc. Nhiều triệu chứng gây căng thẳng và các hành vi bất thường có thể cải thiện được mà không cần dùng thuốc. Giảm những hành vi gây căng thẳng này có thể nâng cao khả năng của trẻ trong việc hòa nhập vào chương trình giáo dục và cộng đồng,cũng như giảm stress cho cha mẹ và người chăm sóc.
Ở đây,chúng ta không bàn đến việc sử dụng thuốc trong điều trị rối loạn phổ tự kỉ,phần này bạn có thể tham khảo thêm trong cuốn tài liệu dành cho các nhà chuyên môn(Phần 4). Phần này,chúng ta chỉ đề cập đến những lưu ý chung cho trẻ em rối loạn phổ tự kỉ uống thuốc,đó có thể là thuốc chữa bệnh thông thường của trẻ em.
Trong giai đoạn mà trẻ em rối loạn phổ tự kỉ dùng thuốc,trẻ có thể có biểu hiện hành vi tệ đi,mặc dù điều đó có thể do các vấn đề vốn dĩ của rối loạn phổ tự kỉ gây ra,phụ huynh nên cân nhắc các nguyên nhân sau trước:
- Có xung đột với người khác không:Hãy hỏi các giáo viên và trị liệu viên xem liệu có vấn đề gì trong môi trường học của trẻ không
- Viêm nhiễm: Các bệnh như đau tai,răng và cúm có thể là nguyên nhân.
- Bị thương mà không biết: Các trẻ tăng động dễ có những chỗ đau nhỏ và thậm trí tổn thương nghiêm trọng. Hạn chế về giao tiếp hoặc kể về các chỗ đau có thể khiến nhiều chỗ bị đau mà bố mẹ không biết.
- Các tác dụng phụ của thuốc: Nhiều loại thuốc thông thường như cảm lạnh hoặc dị ứng,có thể gây ra các vấn đề hành vi ở trẻ rối loạn phổ tự kỉ.
- Các vấn đề sức khỏe mãn tính trở nên tệ hơn: Thay đổi về hành vi có thể là biểu hiện các vấn đề sức khỏe mãn tính như đau đầu,đau dạ dày,viêm khớp,trĩ,..
Hãy cho bác sĩ của con biết các hành vi mới,cũng như các triệu chứng khác(như sốt,đi ngoài,lơ mơ buồn ngủ hoặc thay đổi dáng điệu). Cần tập trung điều trị những tình trạng thể chất trước khi điều trị những hành vi bằng những thứ thuốc như thuốc giảm đau,thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc an thần.
Những vấn đề về hành vi như tức giận,hành vi tự làm đau mình và những cơn bùng nổ nghiêm trọng có thể khiến trẻ gặp khó khăn khi ở nhà cũng như ở trường. Bác sĩ có thể dùng thuốc để điều trị các vấn đè về hành vi.
Khi cho trẻ dùng thuốc bạn nên chú ý những điều sau:
- Luôn hỏi ý kiến của các bác sĩ có kinh nghiệm: Trẻ em rối loạn phổ tự kỉ có thể có những phản ứng với thuốc khác với những trẻ khác. Do sự phức tạp trong việc kê đơn,trong các tương tác với thuốc cũng như việc khó lường trước được phản ứng của mỗi người với các loại thuốc nhất định,cha mẹ nên tìm kiếm và hỏi ý kiến những bác sĩ đã có kinh nghiệm trong việc điều trị cho trẻ em rối loạn phổ tự kỉ với những loại thuốc đó. Bác sĩ sẽ có thể chỉ cho bạn liều dùng hợp lý đối với trẻ và cách sử dụng thuốc(thuốc viên,thuốc dạng chất lỏng hay tiêm).
- Luôn chú ý quan sát cẩn thận: khi sử dụng một loại thuốc mới,cha mẹ và bác sĩ nên để ý quan sát trẻ cẩn thận. Hỏi bác sĩ của bạn về những dấu hiệu hay triệu chứng có thể báo hiệu khi có vấn đề hoặc những xét nghiệm cần làm trước khi bắt đầu sử dụng thuốc và trong quá trình sử dụng thuốc.
- Bắt đầu với liều lượng thấp: Bởi vì số lượng và độ nghiêm trọng của tác dụng phụ thường tăng cùng với liều lượng của thuốc,bác sĩ nên kê đơn thấp nhất có thể mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Bác sĩ có thể bắt đầu với một liều lượng thấp và quan sát ảnh hưởng của thuốc tới hành vi của trẻ trong một vài tuần hoặc tháng. Người bác sĩ có thể cần một số điều chỉnh trước khi tìm liều lượng phù hợp nhất với trẻ để có tác dụng tốt nhất và hạn chế tối thiểu các tác dụng phụ.
- Để ý tới các tác dụng phụ của thuốc trong đơn: khi bác sĩ trao đổi hoặc kê đơn thuốc,bạn hãy hỏi về độ an toàn của thuốc khi sử dụng với trẻ em rối loạn phổ tự kỉ. Hỏi người bác sĩ về các tác dụng phụ và các ảnh hưởng lâu dài khi sử dụng thuốc. Bạn nên ghi chép lại phản ứng của trẻ với mỗi loại thuốc ở mỗi liều lượng cụ thể. Huớng dẫn sử dụng trong mỗi loại thuốc sẽ liệt kê các chỉ định,tác dụng phụ,cách dùng;cha mẹ nên đọc kĩ hướng dẫn này và trao đổi với bác sĩ khi có thắc mắc. Một số phụ huynh lưu lại những hướng dẫn này trong một cuốn sổ nhỏ để tra cứu. Điều này đặc biệt có ích khi con bạn sử dụng nhiều loại thuốc một lúc.
- Chú ý các tương tác thuốc hoặc thức ăn: Bác sĩ nên được biết về các loại thuốc khác mà con bạn đang sử dụng,bao gồm thuốc chống cảm lạnh,thuốc gia truyền, hoặc các thuốc bổ sung dinh dưỡng khác. Hỏi bác sĩ về các tương tác có thể giữa các loại thuốc ,vitamin hay thức ăn.
- Thông báo với giáo viên: cha mẹ nên thông báo với giáo viên của con và các người chăm sóc khác về thuốc mà trẻ đang dùng và những tác dụng phụ có thể có để họ phối hợp cùng cha mẹ trong quá trình con dùng thuốc bằng cách ghi chép,thông báo lại các biểu hiện của trẻ khi ở trường.
- Bảo quản thuốc xa tay của trẻ em hoặc những chỗ mà trẻ có thể tìm thấy: cũng không hiếm trường hợp trẻ em rối loạn phổ tự kỉ tự ý lấy thuốc để ‘‘ăn’’,rất có thể đó là những trẻ có rối loạn vị giác hoặc khứu giác,điều này có thể sẽ rất tệ với sức khỏe của trẻ về lâu dài thậm chí là ngay lập tức có biểu hiện quá liều. Vì vậy bạn phải đảm bảo là mình đã bảo quản tốt thuốc uống.
(Trích dẫn tài liệu‘‘Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em Tự kỷ tại Việt Nam’’)
MẦM NON CHUYÊN BIỆT BAN MAI
CS1: Số 200 đường Đinh Công Tráng – TDP Lê Lợi – P. Châu Sơn -TP. Phủ Lý – TỈnh Hà Nam (Cạnh chợ Do Nha và cổng KCN Châu Sơn)
CS2: Quốc Lộ 1A địa phận thôn Phúc Nhị -Xã Thanh Phong – huyện Thanh Liêm – Tỉnh Hà Nam (Đối dện đường vào trường cấp 2 Thanh Phong hoặc gara ô tô Hoàng Hiệp)
ĐT: 09716 726 188 – 0226 3510068 Email: banmai.special@gmail.com