- Trẻ khiếm thính gặp những khó khăn gì?
Giao tiếp
Trẻ nghe kém thường không bắt kịp vào các cuộc nói chuyện đang diễn ra xung quanh. Do nghe không rõ ràng và hiểu không thấu đáo ý nghĩa của cuộc nói chuyện, trẻ thường ngơ ngác khi được hỏi. Trẻ hay hỏi lại người đối thoại. Nếu bị điếc, trẻ hoàn toàn phải sử dụng dấu và cử chỉ để giao tiếp. Đây là khó khăn đối với mọi người xung quanh vì phải học dấu để giao tiếp với trẻ.
Học hành
Vì trẻ không nghe được như bình thường nên việc nghe giảng rất khó khăn, dẫn tới các trở ngại trong học tập. Mặc dù trẻ bị giảm thính lực có thể học lớp hoà nhập với các trẻ bình thường khác, nhưng giáo viên, các trẻ khác cũng cần học giao tiếp bằng dấu và chữ cái ngón tay với trẻ. Các môn học như văn học, Tiếng Việt, Sử, Địa… cần nghe nói và viết nhiều nên trẻ thường gặp khó khăn. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, không có đủ giáo viên và giáo viên cũng không đủ thời gian để kèm thêm cho trẻ. Những điều này càng gây khó khăn cho trẻ trong học tập. Để các trẻ em khác có thể giao tiếp tốt hơn với trẻ, giáo viên cần làm một bảng chữ cái ngón tay treo ở một bên cạnh bảng đen. Mọi người trong lớp học và trong gia đình trẻ cần học cách giao tiếp này
Xã hội
Trẻ bị giảm thính lực thường bị hạn chế trong quan hệ xã hội và kết bạn, giao lưu do khó khăn về giao tiếp. Cộng tác viên nên lưu ý cha mẹ trẻ về điều này, hãy để một vài bạn khác hỗ trợ trẻ trong các hoạt động chơi nhóm. Đối với trẻ muốn tham gia chơi nhóm cần hiểu được luật chơi và những quy định thưởng phạt. Cần để vài bạn giải thích kỹ cho trẻ về việc này. 4 Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng / Tài liệu số 13 Việc hướng nghiệp cho trẻ cần lưu tâm tới những nghề ít cần giao tiếp. Những trẻ bị giảm thính lực có khả năng quan sát bằng mắt tốt, thực hành bằng tay chân khéo léo. Do vậy, trẻ học dễ dàng hơn nhưng nghề thủ công, may thêu đan, sản xuất đồ mỹ nghệ… Trẻ cũng có thể học các nghề múa, kịch câm, nhào lộn, nặn, ảo thuật… Triển vọng học nghề đối với những trẻ này rất đa dạng và khá dễ dàng.
Tâm lý
Đối với trẻ bị giảm thính lực ở độ tuổi nhỏ, những trở ngại tâm lý chủ yếu liên quan đến giao tiếp. Do khó thể hiện được nhu cầu hoặc vì bất lực không hiểu những điều người xung quanh mong muốn, trẻ có thể cáu gắt, hay nổi khùng, dễ gây gổ… Trẻ em ở độ tuổi thiếu niên còn có thể bị mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp, tránh chỗ có người lạ… Cha mẹ và giáo viên cần tìm hiểu những thay đổi và những biểu hiện tâm lý của trẻ để giúp trẻ.
- Các dấu hiệu phát hiện sớm trẻ nghe kém?
– Trẻ không bị giật mình, không quay đầu về phía tiếng động.
– Trẻ học nói muộn, hoặc dửng dưng trước mọi âm thanh.
– Trẻ ngơ ngác khi nghe nói chuyện.
– Nói ngọng.
– Nhìn miệng để đoán từ.
Nếu nghi ngờ trẻ bị nghe kém, hãy thử kiểm tra khả năng nghe hãy cho trẻ đi kiểm tra tại các cơ sở y tế hoặc các cơ sở làm công tác can thiệp nghe nói cho trẻ khiếm thính.
- Một số biện pháp giúp đỡ người khiếm thính
- Nếu trẻ nghe kém (điếc nhẹ), cần sắp xếp cho trẻ ngồi vị trí thuận lợi trong lớp. Vị trí đó ở phía đầu lớp học, hướng tai nghe tốt hơn về phía giữa lớp. Giáo viên cần nói to và rõ hơn khi giao tiếp với trẻ, để trẻ có thể quan sát miệng cô rõ hơn…
Vị trí của người nói đến trẻ: càng gần càng tốt. Tai nghe tốt hơn của trẻ nên hướng về phía người nói. Đặc biệt ở trong lớp học, nên cho trẻ ngồi đầu lớp để nghe được lời nói của giáo viên tốt hơn. ở nhà hay ở lớp học hoà nhập, giáo viên cần nói chuyện với trẻ kết hợp với ra hiệu, dùng nét mặt và để trẻ quan sát miệng người đối thoại.
- Cách dạy trẻ nghe kém và điếc nặng giao tiếp : Trẻ nghe kém đeo máy trợ thính vẫn có thể học nói được. Tuy nhiên, các hình thức giao tiếp không lời vẫn quan trọng hơn. Người lớn cần dạy trẻ giao tiếp bằng các hình thức không lời: như dùng ánh mắt, nét mặt, tư thế cơ thể, hình miệng…